COO là gì? COO và CEO khác nhau như thế nào?
Tại việt Nam chức vị CEO có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người, CEO là người đứng đầu, quản lý hoạt động chung và cũng là người có tiếng nói lớn nhất trong doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu nói về vận hành kinh doanh, chịu trách nhiệm các công việc chuyên môn thì COO chính là trợ thủ đắc lực cho CEO để các hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra trơn tru nhất. Vậy COO là gì và khác với CEO như thế nào? Cùng tìm hiểu dưới đây.
COO là chức vụ gì?
Nói về COO, nhiều người thường thắc mắc COO là viết tắt của từ gì. COO là tên viết tắt của Chief Operating Officer, hiểu đơn giản là Giám đốc điều hành, người trực tiếp phụ trách sự vận hành của mỗi đơn vị doanh nghiệp. Không phải doanh nghiệp nào cũng có COO, thông thường chức danh này chỉ xuất hiện ở những tập đoàn lớn, nơi có quá nhiều bộ phận vận hành và một mình CEO không thể quản lý hết được. Cùng với CFO – Giám đốc tài chính, CRO – Giám đốc rủi ro, CTO – Giám đốc công nghệ…, COO đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, là trợ thủ của CEO, có nhiệm vụ vận hành và thông báo tình hình cho CEO.
Trong mỗi doanh nghiệp COO lại có những nhiệm vụ cụ thể khác nhau phù hợp với tính chất công việc và ngành nghề. Tuy nhiên nhìn chung COO sẽ có một số những chức vụ cơ bản như lên kế hoạch hoạt động, cùng các giám đốc khác lên chiến lược cho công ty, giám sát chung chỉ tiêu sản xuất, hoạt động, nhân lực…,phát triển sản phẩm mới, làm việc với đối tác…
Vị trí COO thường đòi hỏi khá cao và thường phải 1 người có kinh nghiệm từ 10 năm mới có thể đảm nhận vị trí này. Các COO thường có bằng thạc sĩ, đã từng làm việc tại nhiều vị trí khác nhau trong ngành và có những thành tựu nhất định được ghi nhận. Bên cạnh chuyên môn, khả năng quản lý con người, tính nhanh nhạy cũng là đặc điểm của 1 COO. Tại các đơn vị Việt Nam, COO chưa phải là chức danh phổ biến tuy nhiên tại các doanh nghiệp phương Tây, các chức danh CEO, CFO, COO, CTO được chia rất rõ ràng
COO và CEO khác nhau như thế nào?
Trong nhiều trường hợp CEO là chức danh bao gồm cả COO, điều này thường xuất hiện ở những doanh nghiệp không quá lớn. Nếu phân biệt rành rọt, CEO là người đứng đầu, có chức vụ cao nhất, có quyền quyết định lớn nhất. COO ở dưới CEO, giúp CEO vận hành doanh nghiệp, báo cáo lại tình hình đơn vị cho CEO. CEO cũng thường là người đứng đầu hội đồng quản trị, có thể nắm giữ số cổ phần lớn nhất. Trong khi đó COO chưa chắc đã nắm giữ cổ phần công ty, nhiều khi họ được thuê nhờ vào kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để hỗ trợ đưa công ty phát triển hơn.
Tùy vào từng doanh nghiệp mà CEO và COO sẽ được phân chia các nhiệm vụ khác nhau. Nếu CEO là người đứng đầu thì COO lại là người tạo nên sự phát triển và đảm bảo doanh nghiệp luôn đi theo quỹ đạo chung.
Trên đây là những điều cần biết về COO là gì cũng như sự khác nhau giữa COO với các chức danh khác trong doanh nghiệp. Mong rằng qua đây bạn đã có thể phân biệt COO là chức danh gì và hiểu hơn về hoạt động của COO trong các đơn vị.